CÔNG TY DU LỊCH FIDITOUR
Chi nhánh Đà Nẵng: 47B Lê Duẩn
Tel: 0511 3704 756

NGÀY XUÂN HÀNH HƯƠNG KINH BẮC

Bài, ảnh CHU MINH KHÔI

Nói đến xứ Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh) – nơi nổi danh là vùng đất văn hiến, người ta nghĩ ngay đến nhiều và rất nhiều ngôi chùa cổ. Đây là khởi nguồn cho những chuyến hành hương cổ tự mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức người Việt, đặc biệt vào mỗi độ xuân về.
Từ xa xưa, dân gian truyền tụng câu thành ngữ “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” (Trấn Sơn Nam nổi tiếng về kỹ thuật dựng cầu đá, Kinh Bắc nổi tiếng bởi kiến trúc chùa còn Hà Tây nổi tiếng về kiến trúc đình làng). Hiếm địa phương nào có mật độ di tích dày đặc như ở Bắc Ninh, trong số đó tiêu biểu nhất là: Thành cổ Luy Lâu – nơi Sĩ Nhiếp xây kinh đô vào thế kỷ thứ III; chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp – những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và chùa Tiêu, chùa Dận là nơi phát tích vương triều Lý. Trong khi đó, đền Đô là nơi thờ 8 vị vua triều Lý.
Chùa Dâu
Hàng năm, trên quê hương của các làn điệu quan họ diễn ra hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Những lễ hội lớn phải kể đến: Hội Lim thi hát quan họ được tổ chức vào 13 tháng Giêng, lễ hội đền Đô kỷ niệm ngày đăng quang của vua Lý Thái Tổ; lễ hội Đồng Kỵ; lễ hội chùa Dâu... Ngày xuân, hành phương Bắc, du khách không thể bỏ qua một vài trong số 6 điểm hành hương nổi bật dưới đây tại Bắc Ninh.
Chùa Dâu – trung tâm Phật giáo Việt Nam

Chùa Dâu có tên chữ “Pháp Vân tự” được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ 3 giữa thủ phủ Luy Lâu của Giao Châu thời bấy giờ. Sự tiếp thu đạo Phật từ Ấn Độ hòa quyện cùng văn hóa bản địa đã hình thành nên tín ngưỡng mang sắc thái riêng của người Việt. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất ở nước ta.
Những năm cuối thế kỷ VI, sau một thời gian truyền đạo ở Trung Quốc, Thiền sư Ấn Độ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitarucci) vượt núi băng ngàn đến Giao Châu, từ đây mới được coi là thời điểm Phật giáo chính tông du nhập vào Việt Nam. Năm 580 (thời vua Lý Phật Tử trị vì), Tỳ Ni Đa Lưu Chi về trú tại chùa Dâu, dựng nên dòng thiền mang tên Ngài, đây là tông phái Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thế kỷ XIV, chùa được trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô to lớn: hàng trăm gian chùa, tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp... Từ đó đến nay, chùa được trùng tu lại nhiều lần.
Kiến trúc chùa Dâu còn đến ngày nay được dựng dưới thời Trần. Bao quanh tòa điện chính chữ công là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu nội công ngoại quốc. Chính giữa sân chùa trước bái đường, Mạc Đĩnh Chi đã cho dựng ngôi tháp Hòa Phong cao chín tầng, nay chỉ còn ba. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ. Dưới chân tháp có một bức tượng cổ hình một con cừu đá nằm quỳ hai chân trước, được tạc từ gần 2.000 năm trước. Truyện rằng, xưa Sĩ Nhiếp có hai con cừu, khi ông chết đi, hai con cừu lang thang khắp ruộng đồng, một con tìm được về lăng Sĩ Nhiếp nằm phủ phục, một con lạc đến chùa Dâu không biết đường về nên ở luôn lại đó nghe kinh.
Trong chính điện chùa Dâu, pho tượng lớn nhất và đẹp nhất là bà Dâu - nữ thần mây Pháp Vân. Pho tượng màu gụ, ngồi trên tòa sen như tượng Phật, nét mặt như một người mẹ hiền từ nhìn xuống, bàn tay phải đưa ra như vỗ về an ủi, tay trái đặt trong lòng. Bốn phía tòa sen có các vòng sắt để có thể di chuyển tượng trong ngày lễ hội. Trong chùa Dâu còn hai pho tượng rất đẹp là tượng Kim đồng và Ngọc nữ với khuôn mặt sống động, đứng trong tư thế của một điệu múa cổ xưa, đặc biệt tượng Ngọc nữ vấn khăn, rẽ tóc mang đậm hồn Việt. Chính hội chùa Dâu vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, cũng là ngày Phật đản theo truyền thống cổ, nhưng lễ hội được tổ chức kéo dài từ mấy ngày trước đó. Vào ngày hội, kiệu của các Nữ thần Pháp Vũ từ chùa Đậu, tượng Pháp Lôi từ chùa Tướng, tượng Pháp Điện từ chùa Dàn tụ về chùa Dâu, rồi cùng kiệu Pháp Vân đi đến chùa Tổ thăm mẹ Man Nương.
Nếu đã đến chùa Dâu, du khách nên ghé thăm di tích thành cổ Luy Lâu - trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam những năm thế kỷ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, nơi có hệ thống chùa tháp, đình, đền thờ các tướng của Hai Bà Trưng, khu mộ địa và lăng Sĩ Nhiếp, đền thờ Kinh Dương Vương...
Chùa Phật Tích – nơi thời gian ngừng lại

Chùa tọa lạc trên sườn núi Lạn Kha (còn gọi là núi Tiên Du), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, xưa kia mang tên Vạn Phúc tự, được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII – X. Lạn Kha có nghĩa là “cán búa nát”, gắn liền với tích truyện Vương Chất lên núi đốn củi gặp hai ông tiên đánh cờ, mải mê xem không hay rằng cán búa đã mục nát vì thời gian trần thế trôi qua đã hàng trăm năm. Núi Tiên Du cũng nổi danh bởi truyền thuyết “Từ Thức gặp tiên”. Xưa kia, nơi đây là cả một rừng hoa mẫu đơn nên hội chùa Phật Tích còn gọi là hội “Khán hoa mẫu đơn”, nhằm ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm, nhân dân nô nức tới xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ.
Sách “Đại Việt Sử Ký toàn thư” viết: “Mùa đông, tháng 10 (năm 1041), vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc cùng hai vị Bồ tát Hải Thanh và công đức cùng chuông để ở Viện”. Chùa Phật Tích được xây dựng đại quy mô vào triều Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu. Năm 1057, vua Lý Thánh Tông du ngoạn cảnh chùa, cảm khái tự tay viết chữ “Phật” dài 1 trượng 6 thước, truyền thợ khắc vào bia đá. Đến đầu thế kỷ XVI, chùa Phật Tích cùng với chùa Bút Tháp là cái nôi của dòng Thiền Lâm Tế. Năm 1633, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành phiêu dạt sang phương Nam, tới kinh đô Đại Việt. Thầy trò Thiền sư đã được vua Lê, chúa Trịnh cùng hoàng thân quốc thích Lê triều mộ đạo sùng tín. Tổ sư Chuyết Chuyết về trụ trì chùa Phật Tích gần mười năm, tới năm Dương Hòa thứ 8 (1642) mới chuyển sang trụ trì chùa Bút Tháp. Sau Ngài viên tịch tại chùa Phật Tích, thân thể để hàng tháng trời vẫn không bị hư hoại, nên nhân dân để thờ, hiện nay chùa Phật Tích vẫn còn bảo lưu được pho tượng nhục thân Tổ sư Chuyết Chuyết.
Ngôi chùa thời Lý đã bị phá huỷ từ thời nào chẳng ai rõ, chỉ biết vào đầu thế kỷ 20 trong khuôn viên chùa Phật Tích còn lại Phật điện được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Cuối năm 2008, nhà chùa tháo dỡ Phật điện để trùng tu đã phát hiện móng tháp thời Lý, toàn bộ những viên gạch ở đây đều có chữ “Lý gia Đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Cuối năm 2010 chùa đã hoàn thành công cuộc trùng tu Phật điện, công trình này được kê cao trên móng tháp cổ, vừa bảo tồn được kiến trúc thời Lê mà du khách vẫn chiêm ngưỡng được móng tháp thời Lý. Một đại tượng khổng lồ cũng đã hoàn thành, được tạc theo nguyên mẫu bảo tượng thời Lý của chùa Phật Tích. Đại Phật đặt ở vị trí cao nhất của núi Lạn Kha, cao 90m so với mặt đất dưới chân núi, quay mặt hướng Tây Nam. Khách hành hương về Tiên Du, từ xa hơn 10 km đã nhìn thấy pho tượng A Di Đà khổng lồ in vào nền trời xanh thẳm trên đỉnh núi Lạn Kha. Trong những năm tới, xung quanh đại tượng sẽ trở thành một công viên du lịch tâm linh với trục tâm linh xuyên suốt cõi người – cõi tiên – cõi Phật, con đường vận chuyển nguyên liệu để thi công sẽ trở thành con đường hành hương đến cõi Giác.
Chùa Bút Tháp – nét bút giữa trời xanh

Đến chùa Bút Tháp, du khách sẽ sửng sốt trước vẻ đẹp kiến trúc vừa uy nghiêm cổ kính, vừa nguy nga tráng lệ. Ngọn Tháp Bút vút lên trời xanh tâm linh Kinh Bắc. Trải qua mấy trăm năm, nhưng chùa xưa dấu cũ vẫn trang nghiêm giữa những dải “ngô khoai biêng biếc” của không gian văn hóa xóm làng vùng ven sông Đuống.
Tọa lạc ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, chùa có tên chữ “Ninh Phúc Thiền tự”, Bút Tháp là tên gọi theo dáng một ngọn tháp bằng đá do Minh Hành thiền sư dựng năm 1647. Vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã cho tu sửa lại chùa, dựng biển ngạch “Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự” cùng “Ngự chế Đại hùng bảo điện” vào năm Dương Hòa thứ 8 (1642) và cúng dường cho Thiền sư Chuyết Công. Từ đây, chùa Ninh Phúc trở thành cái nôi của dòng Thiền Lâm Tế, tạo mạch nguồn Phật giáo thâm sâu trong tâm thức dân tộc.
Ngày nay, chùa Bút Tháp là ngôi cổ tự còn lưu giữ được quy mô bề thế, nguyên vẹn những kiến trúc cổ. Sau Tam Quan, gác chuông bằng gỗ tọa lạc bình thản giữa không gian bỏ ngỏ, như tấm lòng Đức Phật từ bi luôn rộng mở đón nhận mọi kiếp người. Bước vào cổng phụ bố trí hai bên Tiền đường, ta gặp không gian rộng rãi khoáng đạt, rất nhiều tòa nhà xếp nối tiếp nhau, thơm ngát hương hoa đại. Ngự bên phải Tam bảo là kiệt tác Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Xung quanh thượng điện, bao bọc 4 dãy hành lang bằng đá, lan can hành lang ghép bởi 16 bức tranh tạc trên mặt đá xanh. Mỗi bức chạm đều thể hiện tài năng tuyệt vời của những nghệ nhân điêu khắc xưa.
Rời Thượng điện, dạo gót trên cầu vồng đá, tâm hồn ta lắng lại thanh tịnh khi được chiêm ngưỡng tiểu cảnh hồ sen phía dưới. Ghé Tích Thiện am, ta chiêm ngưỡng tòa Cối kinh đẹp nhất Việt Nam, được làm bằng gỗ, hình bát giác cao 7,8m, kiến trúc 9 tầng theo kiểu tòa sen, trên tạc hàng trăm tượng Phật cùng đủ mọi họa tiết hoa lá, chim muông. Ở Việt Nam, chỉ 3 nơi lưu giữ được Cối kinh như vậy (thêm chùa Phẩm và chùa Giám ở Hải Dương), nhưng tòa Cối kinh Bút Tháp được đánh giá là to và đẹp nhất. Du khách có thể vừa tụng niệm hoặc nguyện thầm điều ước cho mình, rồi tự mình xoay Cối kinh theo chiều Tây-Đông-Nam-Bắc, đó là một nghi thức Mật Tông nguồn gốc từ Tây Tạng. Người xưa tin rằng, nếu quay hết một vòng, lời ước nguyện sẽ được nhân lên 3.542.400 lần.
Nhưng công trình kiến trúc trứ danh nhất nơi đây chính là tòa tháp Bút hình cây bút khổng lồ viết lên trời xanh, tọa lạc ngay sau nhà tổ. Tháp được sư Minh Hành dựng để tưởng niệm Tổ sư Chuyết Công, chế tác hoàn toàn bằng đá. Kiến trúc tháp tuyệt đẹp và tinh xảo, cao hơn 13m, gồm 5 tầng quy hình bát giác, trong đặt pho tượng đá Tổ sư Chuyết Chuyết. Vườn hậu của chùa có ba ngọn tháp: tháp Tôn Đức, tháp Ni Châu, tháp Tâm Hoa. Tháp đá Tôn Đức cao 11m, từ hàng chục năm nay có một cây bồ đề mọc trong lòng tháp khiến ngọn tháp bị nứt vỡ.
Chùa Dạm – “Linh sơn” đất Kinh Bắc

Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, ngày nay núi Dạm thuộc về xã Nam Sơn, huyện Quế Võ. Chùa còn có nhiều tên gọi khác: chùa Đại Lãm, Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám vì chùa được khởi dựng để làm nơi tu hành của Nguyên phi Ỷ Lan, cũng là nơi khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám, trên núi hiện còn một cái giếng Tấm Cám.
Ngày nay tìm đến chùa Dạm, ta không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng hoang tàn, từ dưới chân núi ngước lên chỉ thấy ngút ngàn màu xanh của cỏ cây hoang dại. Những lớp tường đá kỳ vĩ, chứng tích của một đại danh lam vẫn bền bỉ bám vào mặt núi thẳng đứng. Leo lên hàng trăm bậc gạch rêu phủ, ta được chiêm bái một cây cột đá còn sót lại từ thời Lý. Chiều cao của cây cột đá hiện còn 5m, không kể phần bị gãy, trên thân cột đá có chạm hình rồng cuốn rất đẹp. Ngoài cây cột đá, những lớp tường, bậc đá lên chùa, chỉ có pho tượng Nguyên phi Ỷ Lan nhờ gửi vào chùa Hàm Long gần đó, nên mới giữ được tới ngày nay.
Chùa Tiêu – nơi dưỡng thân của vị vua đầu triều Lý

Tương giang thơ mộng trong cổ tích với câu chuyện Mỵ Nương - Trương Chi. Tiếng hát Trương Chi trên sông Tiêu Tương hàng ngàn đời nay là đề tài cảm hứng cho biết bao văn nhân thi sĩ. Giờ đây dòng Tương giang chỉ còn dấu vết là hồ nước, nhưng núi Tiêu Sơn thì vẫn vững bền.
Tiêu Sơn tự (còn có các tên khác là chùa Thiên Tâm, Lục Tổ) tọa lạc trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn. Những bậc dẫn lên chùa mát rượi bóng cây cổ thụ, ngỡ như đang đưa du khách đến chốn bồng lai. Có thể nói rằng, đây là nơi đã khai sinh triều đại nhà Lý, bởi Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng và hun đúc tài năng tại đây, nhờ trí tuệ và tâm huyết của Thiền sư Vạn Hạnh. Trên cột nhà bia còn lưu câu đối chữ Hán: "Lý gia linh tích tồn bi ký/Tiêu lĩnh danh kha đắc sử truyền".
Thuở còn trẻ thơ, Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ) được gửi vào chùa Tiêu theo học Thiền sư Vạn Hạnh. Không chỉ là người có công kiến tạo triều Lý, Thiền sư Vạn Hạnh còn là người đã khai sinh nền văn học viết của nước ta với ba thể loại văn học đầu tiên: sấm ký, khuyến, kệ. Ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua vào năm 1010, Ngài đã tôn vinh Vạn Hạnh làm Quốc sư.
Ngày nay, chùa Tiêu còn lưu giữ được pho tượng cổ tạc Thiền sư Vạn Hạnh đặt trong một khám thờ, bài vị khắc: "Lý triều nhập nội, Quốc công tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh".
Chùa Tiêu cũng còn lưu giữ được pho tượng nhục thân của Thiền sư Như Trí - trụ trì chùa Tiêu vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, là đệ tử nối pháp của Thiền sư Chân Nguyên (trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử). Cuốn “Thiền uyển tập anh” được ngài khắc in năm 1715 tại chùa Tiêu là bộ sử thiền giá trị của nền văn hóa Phật giáo nước nhà.
Đầu xuân “vay vốn” Bà Chúa Kho

Cứ đầu xuân, hàng vạn du khách thập phương lại hành hương về Bắc Ninh để cầu tài, cầu lộc, quan trọng nhất là “vay tiền” Bà Chúa Kho, mong cho một năm mới công việc xuôi thuận, phát tài. Đền Bà Chúa Kho tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, Bắc Ninh.
Tương truyền ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó, ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa. Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.
Người ta tin rằng, nếu làm ăn mà đi vay vốn Bà Chúa Kho thì sẽ luôn được buôn may bán đắt, kinh doanh “một vốn mười lời”. Bởi vậy, dòng người lễ đền những ngày đầu xuân đông đúc đến nỗi thường xuyên xảy ra cảnh chen lấn xô đẩy như một cuộc hành xác của hàng nghìn người cuồn cuộn dấn thân vào không gian chật hẹp từ con đường lên đền, sân đền. Bất cứ ai đến đây xin lộc rồi cũng sẽ phải “ngộ” ra rằng người đi “vay tiền” âm phủ cũng gian nan chẳng kém việc vay tiền ở cõi dương gian!
Muốn làm lễ “vay tiền” Bà Chúa Kho phải viết vào sớ, trong đó khai tên tuổi, quê quán, nơi làm việc, kinh doanh, số tiền cần vay, thời hạn vay và lãi suất trả cho Bà. Mỗi người cần viết 2 lá sớ, một dâng ở Đền Trình và một lá trình lên đền Bà Chúa Kho. Nhiều người tin rằng, đi vay tiền phải sắm lễ, lễ càng nhiều thì Bà Chúa Kho càng “cảm động” mà phù trợ cho làm ăn phát đạt. Rất nhiều người kinh doanh giàu có sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để sắm cả 8 mâm lễ dâng lên đủ 8 điện thờ trong đền Bà Chúa Kho.
Sau khi lễ xong, khách đến khu nhà phát lộc, người nào vay vàng Bà Chúa Kho thì nhận vàng (vàng mã) ở đây, người không vay thì xin lộc. Những người vay tiền đầu năm thì cuối năm phải trở lại đền Bà Chúa Kho để trả vốn và lãi (cũng vẫn là tiền, vàng âm phủ), nếu không làm lễ trả thì sẽ bị Bà Chúa Kho quở phạt, làm ăn sẽ lụn bại – cũng theo niềm tin dân gian.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét