CÔNG TY DU LỊCH FIDITOUR
Chi nhánh Đà Nẵng: 47B Lê Duẩn
Tel: 0511 3704 756

Xứ Quảng (Phần 1)

 (Kể chuyện du lịch Quảng Nam của bạn Chitto - Phuot.vn )
Mặc dù VN có đến mấy tỉnh có chữ Quảng, nhưng chỉ một nơi người ta gọi là Xứ Quảng mà thôi: Quảng Nam.

Quảng Nam tách ra từ Quảng Nam-Đà Nẵng được mười năm nay. Xưa vùng đất này thuộc vương quốc Chăm pa (Chiêm Thành) cổ, dần dần trong quá trình Nam tiến, người Việt đuổi và tiêu diệt người Chăm, nên người Chăm ở Quảng Nam gần như không còn nữa.

Quảng Nam cũng là đất có kinh đô cổ nhất của người Chăm: Trà Kiệu, có di sản thế giới là Thánh địa đầu tiên của người Chăm: Mỹ Sơn, và di sản Hội An.
Về thiên nhiên, Quảng Nam có mấy bãi biển đẹp: Cửa Đại, Tam Thanh. Miền phía tây là núi giáp Lào. Hồ Phú Ninh cũng là một hồ nước nhân tạo rất đẹp với rừng được bảo tồn và trồng mới.
Người dân hiền hòa, thật thà, món ăn xứ Quảng có tính đặc trưng: ít vị nhưng vị nào ra vị ấy, mạnh và gắt.

(Chỗ này nếu cần sẽ viết chi tiết sau)


Topic này tớ sẽ không lôi Hội An vào, vì Hội An có lẽ phải có một topic riêng mới đủ, mà tớ thì không rành Hội An như các bác khác.

Sông núi sẽ viết sau, đoạn này nói về các di tích Chămpa cổ còn lại trên đất Quảng Nam.

Công trình Chămpa ở xa nhất phía Bắc là ở Huế, Đà Nẵng còn một số di tích, Quảng Nam còn những di tích chính sau:

- Thánh địa Mỹ Sơn
- Kinh đô Trà Kiệu: đã hoàn toàn không còn gì
- Phật viện Đồng Dương: chỉ còn nền
- Tháp Bằng An
- Tháp Chiên Đàn
- Tháp Khương Mỹ

Tháp Bằng An

(Trên quyển bản đồ hành chính ghi là tháp Bằng Sơn)

Theo quốc lộ 1 cũ đi qua thị trấn Vĩnh Điện, sát cửa ngõ thị trấn có một con đường rẽ phải, khoảng 2km là đến tháp Bằng An, được coi là
cái linga to nhất Đông Nam Á


Tháp Bằng An là ngôi tháp Chăm bát giác duy nhất còn lại. Niên đại xây dựng của tháp Bằng An - theo như tấm bảng giới thiệu - là vào thế kỷ 11.

Tuy nhiên theo một số tài liệu, thì tháp được dựng sớm hơn. Theo tấm bia đá được khắc khoảng năm 875 - 977, có ghi lại là vị vua Bhadravarman II của vương quốc Chămpa dựng một ngọn tháp Linga Paramesvara (Linga tối thượng), hình một linga khổng lồ, tượng trưng cho Thần Shiva, hình ảnh linh thiêng nhất của Thượng đế. Hình tượng Linga luôn là trung tâm điểm trong thế giới quan của người Chămpa, không hề dung tục, mà thiêng liêng thần thánh.

Nếu tháp Linga Paramesvara trong bia chính là tháp Bằng An, thì tháp này đã có từ trước tấm bia đó.




Hình dạng Linga đặc biệt của tháp ai cũng có thể nhận ra.

Cũng như tất cả các tháp Chăm khác, cửa tháp quay về hướng Đông để đón Mặt Trời. Phần sảnh kéo dài thành cửa, gồm cửa chính và 2 cửa phụ hai bên. Năm 1940, công chánh Pháp sửa lại bịt phần dưới 2 cửa phụ thành 2 cửa sổ, nên tháp này là tháp Chăm duy nhất có cửa sổ theo kiểu ấy !!!

(ngày nay nhiều bác nhà ta bảo tồn di tích cũng y hệt thế)

Cũng giống như hầu hết các tháp Chăm, tháp xây bằng gạch, trang trí bằng đá sa thạch. Đỉnh tháp đã rơi mất từ lâu, nên đứng giữa lòng tháp có thể thấy cái lỗ tròn trên đỉnh, và vì thế trong tháp khá sáng, chứ không tối om như nơi khác.
(Giống thật quá đi mất).


Ngày nay giữa tháp có một bàn thờ nhỏ thờ Linh vật Linga nhỏ bằng đá, một Linga sứt mẻ mất một góc, và đứng trơ trọi mà không có Yoni hứng đỡ, và một bát hương của người Việt cắm đó, lạnh lẽo và hờ hững. Chắc hẳn những di vật khác đã thất lạc hoặc di cư vào bảo tàng mất rồi.


Một Linga nhỏ nằm chính giữa một Linga vĩ đại, là hình ảnh của một thế giới quan thần thánh sinh sôi. Phải chăng bên ngoài là Vũ trụ vô tận, bên trong là bản thể kết tinh?


Trung tâm điểm thế giới của người Chămpa là bộ đôi sinh thực khí Linga-Yoni, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hình tượng này mang rất nhiều ý nghĩa từ đơn giản đến phức tạp.

Hình tượng Linga-Ioni (L-I) nguyên ủy chính là cơ quan sinh dục nam-nữ, là cái đã-đang-sẽ tạo ra sự sống. L-I là khởi nguyên, duy trì, và tiếp tục của sự sống. Vì vậy nó trở thành linh thiêng vô cùng.


Linga hình trụ thẳng đứng, là cái tạo dựng, định hướng, gốc nguồn, là trục của Vũ trụ. Ioni nằm ngang, là cái chứa đựng, sinh sôi, nâng đỡ, là nền của Vũ trụ. Linga đứng thẳng trên Ioni cũng như núi Mehru (Hán Việt là núi Tu Di) đứng giữa mặt đất và biển cả, là Trời-Đất, Đực-Cái, Cõi Thực Tại - Vô Thực Tại, mà cõi Thực Tại là nơi của Thần và người, cõi vô Thực tại là của ma quỷ, cõi chết.


Do đó, Linga dần trở thành biểu tượng, ngẫu tượng của Thượng Đế tối cao vô thượng. Thượng đế Ishavara trong Ấn Độ giáo tách thành ba đấng Brahma, Visnu, Shiva.

Brahma (Phạm Thiên) là Sáng tạo, khởi thủy, sau sự Sáng tạo vĩ đại, đã chuyển hóa vào cả vũ trụ.
Visnu (Tỳ Nữu) là Bảo tồn, bảo vệ cho vũ trụ thời mới hình thành, duy trì trật tự cho đến khi Shiva xuất hiện. Visnu chỉ thỉnh thoảng trở lại thế giới hiện thân dưới dạng hình của một số vị thần-người như Rama, Phật.
Shiva (Thấp Bà) là Hủy diệt. Nhưng hủy diệt để rồi lại tái tạo. Sự sinh sôi và hủy diệt ở giai đoạn sau Brahma đều do Shiva, cho nên Shiva trở thành hiện thể của Thượng đế tối cao.  




Linga đầy đủ gồm ba phần: Phần dưới cùng hình vuông là tượng trưng của Brahma, phần giữa hình bát giác là Visnu, phần trên hình tròn là Shiva.

Những Linga tôn thờ Shiva tối thượng thì chỉ lấy phần tròn làm chính, như cái Linga ở trung tâm Mỹ Sơn



Linga đặt trong tháp thờ, bao giờ cái khe ở đầu cũng quay về hướng Đông (nghĩa là nếu đó là dựng đứng từ một người đàn ông nằm ngửa , thì chân anh ta quay về đông, đầu quay về tây, nếu đầu ngẩng dậy sẽ nhìn về đông)

Ioni bên dưới thường là hình vuông, loại tròn như ở Chiên Đàn hiếm có hơn. Ioni là hình dạng của tử cung có khe chảy ra. Cái rãnh chảy ra đó quay về hướng bắc, nghĩa là nếu đây là một người đàn bà nằm ngửa, thì đầu cô ta quay về nam, chân về bắc, vuông góc với người đàn ông. Hai vật này là trung tâm thì hai người thần thánh là hai hướng của vũ trụ.


Trong lễ hội người Chăm, người ta sẽ dùng nước trong, nước thơm, sữa,... dội lên đầu Linga, nước sẽ chảy xuống Ioni, chảy qua rãnh ở phía bắc, nước chảy ra đó được coi là nước thần thánh, được dùng để lau lên người, dội lên đầu...
Trước cửa Bằng An có tượng hai con thú, gọi là Gajasimha, hình nửa như sư tử, nhưng lại có cái vòi ngắn quay lên trên. Mỗi con đều có cái diềm đeo cổ khá rộng.
Hai con thú này có niên đại thế kỉ 11 - 12, do đó nhiều tài liệu cho rằng tháp dựng thời này. Nhưng cũng có thể hai con thú được thêm vào sau khi tháp dựng.


Nhìn những hiện vật Chămpa mà buồn cho nền văn hóa Việt. Hầu như không còn di vật, hiện vật gì nữa từ thế kỉ 10. Thậm chí trước thế kỉ 10, nước Việt còn không phải của người Việt. 
Rời cái Linga khổng lồ Bằng An, vừa qua thị trấn Vĩnh Điện là đến cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn. Con sông Thu Bồn đi vào văn vào thơ, bởi nó đẹp quá. Dòng sông rộng, phẳng lặng, nước trong xanh với bờ thoai thoải. Dòng sông này còn trở thành bút danh cho một nhà văn. Nơi đây còn gắn với huyền tích bà Thu Bồn của người Chăm.

Sông Thu Bồn là con sông Mẹ của người Chămpa cổ. Cũng có thể nói đây là con sông di sản, bởi xuôi dòng sông này, có thể gặp các di tích: Mỹ Sơn, lăng bà Thu Bồn, Trà Kiệu, và cuối cùng là Hội An.


Cầu Câu Lâu mới là một trong những cây cầu lớn nhất miền Trung, đứng trên cầu nhìn xuống cây cầu cũ được dựng từ thời đất nước còn chia cắt, như một nét vẽ thẳng. Có cảm giác khi mùa nước lũ lên, cây cầu ấy chắc còn đẹp hơn nữa.






  
Đường rẽ trái sang Hội An ngay trước cầu Câu Lâu.
Qua Câu Lâu, đến ngã ba Nam Phước rẽ sang phía tây là con đường 610 vào Mỹ Sơn.

Cách Nam Phước 9 km là kinh đô Trà Kiệu cũ của vương quốc Chămpa cổ.

Về lịch sử Chămpa, trong wikipedia có khá đầy đủ. Trà Kiệu trở thành kinh đô trong khoảng thế kỉ 6-7 dưới thời vương triều thứ 4 của Lâm Ấp, với tên Sinhapura nghĩa là kinh đô Sư tử. Trà Kiệu đã từng bị nhà Đường, rồi Đại Việt tàn phá nhiều lần. Nhất là sau khi kinh đô Chămpa dời vào Đồng Dương thì lại càng hoang phế.

Đến thời Nguyễn, khi di dân tràn vào sinh sống trong khu vực thành cũ, thì những gì trên mặt đất đã hoàn toàn bị xóa sạch. Những di tích cũ chỉ còn tìm thấy khi đào sâu xuống đất. Những di vật cổ hoặc đã bị đem về Pháp, hoặc về bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, nên không còn nhiều. 
Tên gọi Trà Kiệu, theo một tài liệu, thì là từ chữ Chà Kiều.

Giữa Trà Kiệu có một quả đồi cao khoảng 50m, gọi là núi Bảo Châu, hay núi Trọc, núi Trược. Thời xưa, đây là ngọn núi quan trọng trong kinh thành, vì theo vũ trụ quan Ấn Độ giáo, núi chính giữa là biểu tượng của Meru, trên đỉnh núi có ngôi đền lớn thờ Thượng đế Ấn giáo. Kinh thành Trà Kiệu lấy núi này làm trung tâm.


Khi các di dân - đặc biệt là Công giáo - tràn vào đây, đã dựng nhà thờ trên lưng chừng núi. Theo truyền thuyết, quân triều đình nhà Nguyễn bao vây để diệt tín đồ Công giáo tại đây vào tháng 9/1885. Vào ngày 21/9/1885, Đức Mẹ mặc áo trắng đã hiện ra trên nóc nhà thờ, tín đồ Công giáo chiến thắng quân triều đình. Từ đó núi Bảo Châu trở thành Thánh địa công giáo của cả vùng, nhà thờ được gọi là nhà thờ Mẹ Trà Kiệu.

(Hình như chỉ thua mỗi thánh địa La Vang)

Nhà thờ trên đỉnh núi hiện nay do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế. Tượng Đức Mẹ ở giữa có phong cách rất khác, hình Đức Mẹ xõa tóc, áo gió thổi bay rất sinh động, gần gũi.




Dấu tích của kinh thành Trà Kiệu không còn mấy. Xung quanh núi Bảo Châu nhà dân mọc lên che khuất cả tầm nhìn.
Ngay ở cổng của khu nhà thờ Trà Kiệu, có một cái quán nước bán cả vài đồ lưu niệm, và ông chủ quán có một bộ sưu tập nhỏ những bức tượng, phù điêu Chămpa. Ông ấy nói rằng nhiều người đã đến xin mua nhưng không bán, và có dự định lập một bảo tàng nhỏ ngay dưới chân núi, trưng bày những hiện vật còn sót lại mà ông thu thập được.

Bao quanh nhà thờ Trà Kiệu là một bức tường trên đó gắn kín những tấm biển cung tiến của giáo dân đối với nhà thờ này, thể hiện sự sùng kính đối với Mẹ Trà Kiệu. Cũng không khác gì lắm so với việc ở chùa làm bia ghi tên người công đức, có điều họ thể hiện sự thành kính, đức tin chân thành hơn, với những lời tỏ sự biết ơn Đức Mẹ.



Khi tớ lên thì trong nhà thờ đang có một số giáo dân từ nơi khác đến làm lễ, đọc kinh và hát thánh ca, nên không tiện chụp ảnh nhiều hơn nữa.
Có người bảo dải đất có cây mọc cao và nhà kia là tường thành của Trà Kiệu cũ. Đất nơi đó chắc và cao hơn hẳn xung quanh - đã thành đồng ruộng. Do đó trong những năm có nước lụt từ sông Thu Bồn dâng lên, tràn đến đây thì dải đất đó vẫn không bị ngập. Còn về phía xa, vượt qua cả dãy núi kia sẽ là thánh địa Mỹ Sơn.



Mỹ Sơn cách Trà Kiệu khoảng 20km. Có lẽ ngày xưa khi các vua Chămpa đi cúng tế, đoàn người phải di chuyển vất vả lắm. Hoặc tớ hình dung họ sẽ xuống thuyền, ngược sông Thu Bồn, để đến gần Mỹ Sơn sẽ lại lên bộ. Khoảng cách giữa Thu Bồn và Trà Kiệu gần hơn so với Mỹ Sơn.


Trà Kiệu nằm giữa đồng bằng, lại lấy núi làm trung tâm, ngược với Mỹ Sơn nằm ở một thung lũng giữa bốn phía là núi. Có lẽ chính vì thế mà khi Trà Kiệu đã thành bình địa thì Mỹ Sơn vẫn còn uy nghi đứng đó. Những đoàn người Việt dễ dàng cư trú ở Trà Kiệu nhưng hình như không ai biết đến Mỹ Sơn.  

Con đường từ Trà Kiệu đến Mỹ Sơn yên bình, êm ả lượn qua những vòng đồi, có lúc đi cạnh đường ray tàu hỏa, đôi lúc gặp dòng sông Thu Bồn trong xanh. Mùa lúa chín hẳn nơi đây vàng rực.



Mỹ Sơn nằm trong lòng một thung lũng núi ở xã Duy Phú huyện Duy Xuyên. Từ cửa khu di tích, đã dựng một tòa nhà bảo tàng để trưng bày những di vật không để ngoài thực địa. Một số hàng quán đã mọc lên.

Từ cửa đi vào 700m trung tâm, là những chiếc xe zip, xe 12 chỗ chở khách trên con đường đá gập ghềnh. Rừng hai bên nhiều cây mới trồng, nhưng dễ tưởng tượng xưa kia nơi đây rừng mịt mù chắn lối thế nào, và cũng ngăn cả những cái nhìn tò mò tham lam của kẻ đi tìm của.

Viết về Mỹ Sơn thì có lẽ đã có quá nhiều các trang web, của các tổ chức và cả các cá nhân. Là một di sản văn hóa thế giới, được công nhận là loại hình vật thể duy nhất còn tồn tại thuộc loại này, Mỹ Sơn dành được nhiều sự quan tâm của tất cả mọi người. Những hướng dẫn viên ở Mỹ Sơn cũng rất chuyên nghiệp, sẵn sàng giới thiệu rất chi tiết cho khách du lịch tìm hiểu, bằng mấy loại ngôn ngữ.

Sau khi nước Lâm Ấp được thành lập vào khoảng năm 192, trung tâm tôn giáo và hành chính nằm ở Khu Lật, gần Huế bây giờ (nơi có một ngọn tháp vừa được tôn tạo), đến thế kỉ 4 thì các vua Chămpa dời vào Trà Kiệu, xây dựng Mỹ Sơn.


Vua Bhadravarman I (Hán Việt là Phạm Hồ Đạt) là người cho dựng Mỹ Sơn như là khu đền thờ Ấn Độ giáo của vương triều, mà cụ thể hơn là thờ Bhadresvara, tức Shiva. Từ thế kỉ 4 đến 14, nơi đây luôn là trung tâm tinh thần của dân tộc Chămpa, với nhiều công trình được dựng lên bằng gạch, bằng đá, rải rác trong một phạm vi rộng. Các công trình mang phong cách của nhiều giai đoạn văn hóa, mà đối tượng chính luôn là Linga-Yoni đặt giữa lòng các tháp.


Người Pháp - lại là người Pháp - là người tìm lại dấu tích và tìm hiểu về khu tháp này, đã ghi chép cẩn thận, phân chia thành các khu A, B, C, ..., H. Chi tiết thì tôi sẽ chả viết ra đây làm gì.  



Bốn phía vây quanh Mỹ Sơn là núi. Con đường duy nhất ra vào là từ phía bắc, do đó du khách sẽ đến thẳng ngay phía tây của khu đền tháp, ngay sau lưng tháp chính thuở xưa - mà giờ chỉ còn là nền đá và những tấm đá lớn đổ nát.

Đặc biệt nhất trong các núi vây quanh là ngọn Mahaparvata ở phía Nam. Ngọn núi này không thẳng lên trời mà lại khum sang phía đông, giống hình một cái đầu chim khổng lồ, được coi là hình của đầu chim thần Garuda, chim thần có thể nuốt được cả mặt trời.

(Garuda là biểu tượng trên quốc huy Indonesia, Thái Lan, hàng không quốc gia Indonesia)



Tôi đến Mỹ Sơn một mình, không theo một đoàn khách nào, vào đúng buổi trưa. Và vì thế, khi các đoàn khách ồn ào qua đi, khi cả những người hướng dẫn cũng đã về nơi nghỉ trưa ở đâu đó, thì một mình ngồi lại để cảm nhận cái thiêng liêng riêng có của nơi đây. Những ngọn tháp gạch lặng yên hoàn toàn không một bóng người. Những khoảnh sân ngập nắng, ngổn ngang gạch đá. Cây cối cũng im lìm.

Thông tin chi tiết nghiên cứu về Mỹ Sơn thì nhiều quá, lấy vài cái ảnh để tưởng tượng thôi vậy.


Những bức tượng chăm bằng đá đã nổi tiếng, và được gìn giữ tại bảo tàng điêu khắc Chămpa ở Đà Nẵng. Tại Mỹ Sơn còn nhiều tượng điêu khắc bằng gạch. Có lẽ họ đã xây gạch lên rồi mới điêu khắc thẳng vào gạch, vì nhiều chỗ còn dang dở.




 

 - Xứ Quảng (Phần 2)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét