CÔNG TY DU LỊCH FIDITOUR
Chi nhánh Đà Nẵng: 47B Lê Duẩn
Tel: 0511 3704 756

Xứ Quảng (Phần 2)

( Kể chuyện du lịch Quảng Nam của bạn Chitto - Phuot.vn )





Một số Linga-Yoni tại Mỹ Sơn

Linga tại tháp chính giữa




Linga bên cạnh tháp Thư viện (nơi để đồ cúng tế)




Linga bày trong một tháp khác




Yoni đã bị mất Linga




Có thể thấy phong cách khác nhau giữa các linga, có thể liên quan đến những thời kì văn hóa khác nhau, hoặc quan niệm văn hóa khác nhau. Linga chỉ tập trung phần đầu thể hiện sự tôn thờ cao nhất đối với Shiva, mà bỏ qua Brahma và Visnu.

Những di vật này cũng đã từng chìm nổi. Bệ Yoni của tháp chính đã từng là tảng đá mài dao của một người dân trong một thời gian dài, trước khi trở về vị trí cũ của nó. Nó đã bị vỡ khi tháp sập do bom Mỹ những năm chiến tranh. Những ngọn tháp khác và vô số di vật khác không biết giờ ở nơi đâu. 

Một số bức tượng ở Mỹ Sơn, cũng như nhiều nơi khác bị mất đầu. Không biêt phần đầu những bức tượng này về đâu. Một phần do người Pháp đã mang đi. Khi những người chiếm đóng về nước, họ không mang được cả pho tượng đi, nên đã chặt lấy đầu, là phần tinh hoa nhất.

Điều này cũng tương tự một số pho tượng chùa ở miền Bắc, tượng Khơ Me ở Campuchia.



Khu A giờ không còn gì hòan chỉnh, chỉ còn một nền tháp cũ, nhiều di vật bằng đá xung quanh, những cột đá nằm ngổn ngang, phù điêu, và bệ Yoni chính giữa tháp.




Những tàn tích còn lại của khu F


Ngọn tháp chính, lớn nhất ở khu F đã bị một quả bom nổ ngay bên cạnh phá sập. Đất đá trùm lên phần còn lại của tháp, chôn vùi nó trong đất.
Khi khai quật ngọn tháp, những người làm việc đã vội vàng đào bới, bỏ lớp đất phủ bên ngoài (vốn giữ cho phần còn lại không đổ nốt) nhanh quá, nên tháp tiếp tục đổ.
Ngày nay phải gia cố bằng cọc sắt và mái che, nếu không phần này cũng sẽ sập hoàn toàn.


Thung lũng Mỹ Sơn mỗi khi mưa to, nước dưới con suối cũng dâng lên đáng kể, vì đó là lối thoát nước duy nhất của cả thung lũng.

Nhiều tượng, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đã được đưa vào các bảo tàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Do đó trong khu di tích thấy có những khối xi măng vuông, trên có biển kim loại ghi rõ: "vị trí này có một bức tượng hình... cao... ngang..., hiện được trưng bày tại bảo tàng...".

Bên cạnh xã Duy Phú là xã Duy Tân, nằm sát sông Thu Bồn. Tại đây có đền thờ và lăng Bà Thu Bồn, một vị thần của người Chămpa xưa, cũng đã được Việt hóa. Triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, thượng đẳng phúc thần của cả vùng châu thổ sông Thu Bồn. Hình tượng nữ thần Chămpa đã được Việt hóa một phần, trở thành một thánh mẫu Việt, cũng giống như Thiên Y A Na vậy.


Theo truyền thuyết, lăng bà Thu Bồn có từ nghìn năm trước, từ thời Chămpa. Nhưng hiện nay thì các công trình đều dựng dưới thời Nguyễn hoặc muộn hơn. Những di tích này không còn di vật gì đáng kể.


Lễ hội Bà Thu Bồn vào 12 tháng 2 Âm lịch hàng năm, là lễ hội lớn nhất của Quảng Nam.  

Sang thế kỉ 8, 9, vương quốc Chămpa phát triển mạnh mẽ, trở thành một quốc gia hùng mạnh, đe dọa các nước xung quanh như xứ Giao Châu (còn thuộc TQ), Chân Lạp. Đến thế kỉ 9 thì chính thức gọi là Chiêm Thành.

Năm 875, vua Indravarman II định đô tại Indrapura, cách Trà Kiệu một quãng về phía Nam. Ngày nay Indrapura thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình.

Từ Nam Phước - Duy Xuyên xuôi quốc lộ 1A đến thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, rẽ phải khoảng 15km sẽ đến khu Đồng Dương.

Nơi đây là trung tâm Phật giáo rất sớm của Chămpa, bên cạnh trung tâm Ấn giáo ở Mỹ Sơn. Những ngôi đền thờ Phật rất lớn, nền khu di tích rộng cả km vuông.


Nhưng tất cả đã đổ nát do con người, thiên nhiên, chiến tranh tàn phá.

Năm 982, Lê Đại Hành của Đại Việt tàn phá Indrapura, giết hàng vạn người, phá hủy kinh thành. Đây là cuộc tàn phá lớn nhất. Sau đó còn nhiều lần tiếp tục bị tàn phá. Và bom đạn thời chiến tranh gần đây nhất đã làm nốt công việc san Đồng Dương thành bình địa.

Cũng giống như nhiều di tích Chămpa khác, các hiện vật quý giá nhất còn giữ được là tượng cổ, phù điêu,..., đã được mang về Pháp hoặc nằm trong bảo tàng Đà Nẵng.

Pho tượng quý nhất ở Đồng Dương làm bằng đồng (rất hiếm vì tượng Chămpa thường bằng sa thạch) được để ở bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ngày nay ở Đồng Dương chỉ còn một bức tường là dấu tích của khu Phật viện lớn xưa kia, cùng các khu nền móng rải rác, mà dân cư đã xâm lấn nhiều. 


Xuôi đường 1A, cách Tam Kỳ (mới lên thành phố) chỉ vài km, bên phải đường là cụm tháp Chiên Đàn, gồm ba tháp nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa tháp quay về phía Đông.

Cụm Chiên Đàn gồm 3 tháp, dựng khoảng thế kỷ 11, 12.

 - Tháp nam (bên trái) được dựng đầu tiên, để thờ Brahma
- Tháp giữa được dựng tiếp theo, là tháp cao to nhất, để thờ Shiva
- Tháp bắc (bên phải) được dựng sau cùng, là tháp thấp nhất, để thờ Visnu

Nóc của tháp giữa còn nguyên vẹn nhất. Tháp nam và bắc phần mái đã sập.





Trước kia đất đá phủ lấp ngang lưng chừng cả 3 tháp, cây cối mọc phủ, dây leo chằng chịt, có thể dễ dàng bám theo dây mà trèo lên đỉnh.

Thời chiến, quân đội miền Nam đã từng biến tháp phía bắc thành ụ súng, đặt đại liên trên nóc để bắn vào con đường phía trước. Chính điều này góp phần làm tháp bị hủy hoại nhiều hơn.


Ngoài Mỹ Sơn ra, thì Chiên Đàn là cụm di tích có nhiều di vật điêu khắc nhất.
Hầu hết các tác phẩm giá trị đã được đưa vào bảo tàng ở Đà Nẵng hoặc ngay bên cạnh tháp. Tuy nhiên, nhìn khắp tháp, cũng có thể thấy các tác phẩm đó ngự trên những bức tường gạch, hay dưới chân tháp, dưới dạng các phù điêu tuyệt đẹp.

Nơi đây có các phù điêu hình sư tử, mặt kala (mặt thú nhìn trực diện), lá đề, các vũ nữ nhảy múa, các chiến binh chiến đấu, những con voi đi thành đoàn hoặc quay vào nhau. Nhìn những phù điêu đó, có thể hình dung xã hội Chămpa một nghìn năm trước ra sao.


Điêu khắc trên thân tháp. (Bên dưới là gạch cũ nên liền với nhau, phía trên là gạch mới bù thêm vào cho tháp khỏi đổ, rời rẽ và xấu hẳn)



Hoa văn trên gạch


Vũ nữ nhảy múa bên trên những mặt kala


Phần chân tháp được khai quật khoảng năm 90 đã cho thấy những tác phẩm quý


Những con voi vây quanh hoa sen với phong cách rất lạ và đẹp


Những chiến binh chiến đấu bên cạnh những vũ nữ uyển chuyển





Ngồi cả giờ nói chuyện với một người đàn bà trông coi khu tháp Chiên Đàn. Bà ngày thường cũng như mọi người, chăn bò ngay trong khu tháp, hái rau má ở dưới chân tháp, dọn cỏ quanh tháp cho bò. Khó mà nghĩ đó là một cán bộ văn hóa làm ở đây đã mấy chục năm.

Bà kể về ngày trước, khi còn chưa thống nhất, chuyện hồi bé bà trèo lên đỉnh tháp bằng những cây leo, nóc tháp bị biến thành ụ súng. Rồi chuyện những năm 80 - 90, cán bộ văn hóa và chuyên gia nước ngòai về khai quật, tìm hiểu tháp thế nào. Để có thể lộ rõ những bức phù điêu như trên, người ta đã phải dùng một loại hóa chất đặc biệt đổ lên, để không ăn mòn đá mà lại sạch được chất bẩn, đồng thời rêu không mọc trên đó được. Nhờ vậy mà các bức phù điêu đã được xử lý trông như mới. Còn các bức chưa được xử lý thì đen bẩn cũ kỹ.

Nhưng chuyện bà nói nhiều nhất là về những người Chămpa. Vào ngày lễ hội của họ, họ vẫn về đây cúng bái để tưởng nhớ tổ tiên của họ, đã từng làm chủ mảnh đất này trong hàng nghìn năm, cho đến khi bị người Việt xâm lấn và đuổi đi.

Có lẽ dân tộc Chămpa cũng là một dân tộc đau khổ, một dân tộc Vong quốc, không còn đất nước. Họ có thể vẫn còn ở rải rác trên vùng đất xưa kia là đất nước của họ, nhưng giờ không còn nữa. Vùng đất tổ tiên xa xưa - Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam giờ hầu như không còn người Chăm, mà phải lui vào Bình Định, Bình Thuận và xa hơn nữa. Những thánh địa đổ nát, tháp thờ hoang tàn.


Người đàn bà kia kể rằng vào những ngày lễ hội, nhiều người Chăm về đây và ôm cây tháp mà khóc. Họ thấy đau xót cũng không có gì khó hiểu.


Có lẽ chúng ta vẫn còn hạnh phúc hơn họ nhiều, khi có một Tổ quốc để mà đặt trong tim và để mà trở về sau khi lưu lạc xứ người.




  Trong các sách sử giảng dạy, người ta thường tránh nói đến cuộc tiến công chiếm đất của người Việt vào vương quốc Chiêm Thành - Chămpa. Họ chỉ gọi bằng một cái tên mĩ miều là Nam tiến. Nhưng cuộc Nam tiến ấy cũng đổi bằng biết bao xương máu của những người ở cả hai dân tộc. Bao người Việt và người Chăm đã chết, những kinh đô hoang phế và bị cướp bóc, những di tích bị đập phá để tìm vàng.

Trong lịch sử, không chỉ người Việt tấn công người Chămpa, mà quân Chămpa cũng nhiều lần kéo ra tận Thăng Long đánh đuổi vua Việt. Chế Bồng Nga 3 lần kéo quân ra bắc, vua tôi nhà Trần đã phải bồng bế nhau chạy trốn để mặc quân Chiêm Thành cướp phá.


Nhưng dòng chảy lịch sử đã ủng hộ người Việt, và người Việt đã không chỉ một lần hủy diệt kinh đô Chăm, tàn sát người Chămpa. Các vua Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, các chúa Nguyễn, là có công với người Việt, nhưng là kẻ thù đáng sợ của các vua Chămpa. Các vị vua ấy lần lượt vượt các vùng đất, các con đèo hiểm trở như Hải Vân để tiến đến phương nam.


Ngày nay, các công trình của các đời vua đó trên đất Bắc không còn gì, hoặc toàn là xây lại. Nhưng những công trình của các vua Chămpa thì vẫn còn đó hiên ngang với trời đất.


Thôi cũng đành dối lòng mà an ủi rằng đó là sự đền bù cuối cùng của thời gian cho một dân tộc văn minh nhưng vong quốc, cho một đất nước huy hoàng nhưng đã tiêu tan. 

Rời Chiên Đàn, đi qua thành phố Tam Kỳ, đến cuối Tam Kỳ là cầu Tam Kỳ bắc qua sông Tam Kỳ, vừa qua cầu, rẽ phải vào con đường nhỏ hơn chừng nửa km là đến khu tháp Khương Mỹ.

Khương Mỹ cũng gồm 3 ngọn tháp dựng theo hướng bắc nam, xung quanh bị nhiều nhà dân vây kín, không có khung cảnh rộng như khu Chiên Đàn.




  Tháp Khương Mỹ được xây dựng vào khoảng thế kỉ 10, trước tháp Chiên Đàn. Đối tượng thờ chính của Khương Mỹ là Visnu, là dòng sớm hơn dòng thờ Shiva.

Những hoa văn trang trí trên gạch của tháp Khương Mỹ. phong cách nơi đây khác hẳn với tháp Chiên Đàn. Những dây hoa xoắn tròn chữ S thay cho những mặt kala, lá đề. Hoa văn tập trung theo cạnh dọc chứ không phải phù điêu ngang như tháp Chiên Đàn.








Hoa văn đá sa thạch của những chiếc cửa giả (có hình cửa nhưng chỉ là trang trí, gạch xây bít)




Trong lòng tháp nhìn lên


Từ thành phố Tam Kỳ, ngay ngã tư lớn đầu tiên, rẽ trái đi khoảng gần 10km là đến biển Tam Thanh, một bãi biển ngắn, chủ yếu cho dân Tam Kỳ xuống ăn uống, nghỉ ngơi, đi trong ngày. Do đó ở đây chủ yếu là hàng quán, không có nhà nghỉ. Buổi chiều người ra tắm biển và ăn uống khá đông.

Đồ hải sản ở đây cũng khá ngon, được chế biến đơn giản.



Biển Tam Thanh năm vừa rồi có 2 trẻ em chết đuối vì tắm ở ngoài khu vực trông nom được.
Nói chung ra biển thì không thể chủ quan. 

Những ngôi mộ cát ở Quảng Nam.

Đất gần biển ở Tam Kỳ bị gió cuốn cát phủ lên một lớp dầy. Bới cát lên là lộ ra đất, còn cát, cát cứ phủ ngập chân, trắng đến lóa mắt. Người ta đào đất cho những người đã khuất, rồi vun cát lên thành nấm. Lâu, gió thổi cát đi, họ lại vun lên.


Lũ trẻ nơi đất cát


Xứ Quảng (Phần 3)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét